Hiện đại hoá ngành may: Giàu nhờ vải, hiện đại nhờ CAD/CAM
Trong lĩnh vực cung cấp hệ CAD cho ngành dệt may, công ty Gerber Technology đã giới thiệu với thị trường Việt Nam phần mềm Accumark hỗ trợ công tác chuẩn bị mẫu mã, sơ đồ phục vụ sản xuất một cách tối ưu. Từ Việt Tiến là công ty may đầu tiên đầu tư hơn 10 hệ Accumark vào phục vụ sản xuất, hiện đã có trên 150 hệ trong cả nước.
Hệ Accumark gồm ba phần chính (có giá khoảng 25.000-40.000 USD tuỳ cấu hình):
- Phần mềm Accumark.
- Bảng số hóa (Digitizer)
- Máy vẽ sơ đồ (Plotter)
Việc huấn luyện sử dụng cơ bản hệ ACCUMARK chỉ mất khoảng 7-10 ngày, với yêu cầu không cần nhiều kiến thức về máy tính. Không yêu cầu cao về kỹ năng, kỹ xảo của người sử dụng; họ chỉ đơn giản biến đổi ngôn ngữ công nghệ may thành ngôn ngữ máy tính nhờ phần mềm thông minh với giao diện thân thiện, hệ thống menu tiện lợi và hiệu quả.
Một hệ ACCUMARK tối thiểu chỉ cần một người thao tác, tiết kiệm không gian lưu trữ sơ đồ, các chi phí cho giấy và phụ liệu... Hệ thống được thiết kế công nghiệp, có thể làm việc liên tục 2 ca/ ngày.
"Doanh nghiệp may nào chưa đầu tư hệ thống giác sơ đồ, coi như đã... chậm chân trong cuộc cạnh tranh về lĩnh vực may công nghiệp!".
Có đúng vậy không, và làm sao chọn đúng các hệ thống CAD/CAM để triển khai việc giác sơ đồ, kể cả trải và cắt vải tự động một cách hiệu quả nhất?
Vì sao ưu ái... phân xưởng cắt?
"Thợ may giàu nhờ vải". Câu tục ngữ này đến nay vẫn đúng không chỉ với các thợ may thủ công mà cả cho ngành công nghiệp may mặc. Chẳng hạn: một doanh nghiệp may mặc sản xuất một năm một triệu sản phẩm may, ước tính mỗi sản phẩm chiếm 1,5m2 vải. Chỉ cần làm sao tiết kiệm 1% lượng vải sử dụng trong năm là đã tiết kiệm được 15.000m2 vải - giá thấp nhất cũng khoảng 10.000đ/m - thì xem như nhà sản xuất đã lãi 150 triệu đồng! Cứ thế nhân lên, bạn càng thấy những doanh nghiệp thành đạt nhất trong ngành may mặc là những doanh nghiệp tiết kiệm vải nhất!
Nếu sản xuất theo kiểu cổ điển, nơi được chủ doanh nghiệp trả lương cao và có nhiều ưu ái, cũng như quan tâm nhiều hơn chính là Phòng Cắt hay Phân Xưởng Cắt, vì đây là chỗ có thể mang lợi nhiều nhất cho doanh nghiệp.
Quy trình của việc triển khai một đơn hàng cổ điển như sau:
o Từ thiết kế khách đặt hàng hay doanh nghiệp tự thiết kế (design)
o Làm rập chuẩn từ bản thiết kế (pattern design), tức rập mềm.
o Nhảy size (nhảy cỡ - grading) để có bộ rập chuẩn tất cả các size của đơn hàng - rập cứng.
o Xác định chiều dài sơ đồ tối ưu tiết kiệm nhất bằng cách đặt các bộ rập mềm và can lên giấy sơ đồ (người thợ giác sơ đồ xoay các rập để rút ngắn sơ đồ nhất có thể - tức Marker Marking). Công việc này cần lặp đi lặp lại nếu khổ vải thay đổi, và phải làm cho cả bộ rập.
o Xác định số lượng phải cắt. Chia thành từng bàn cắt có chiều dài, tập thích hợp với các yếu tố, size, màu sản phẩm, số lượng sản phẩm cần cắt.
o Mỗi bàn cắt được trải ra từ nhiều cuộn vải, theo màu, số lớp và chiều dài đã tính toán theo từng bản giấy sơ đồ.
o Tiến hành cắt bằng máy cắt tay theo đường vẽ của sơ đồ trên bản giấy sơ đồ.
o Sau khi cắt, tiến hành phân loại theo từng tập (theo từng cây vải đã trải) và bó lại chuyển cho sản xuất may (Bundling).
Do Phân Xưởng Cắt cần tính toán rất nhiều nên lệ thuộc hoàn toàn vào khả năng tính toán tổ chức của người điều hành, cũng như vào lương tâm nghề nghiệp của người làm công tác giác sơ đồ.
Trong khi đó, do ngành may được xem là ngành nghề đơn giản, việc tìm kiếm cán bộ có đủ năng lực tính toán và nhận thức tầm quan trọng của công tác tổ chức tại Phân Xưởng Cắt nào phải dễ dàng, nhất là với các xí nghiệp may xuất khẩu loại lớn (doanh số vài triệu USD/năm), với rất nhiều đơn hàng phải tính toán cân đối hàng tháng.
Lại một lần nữa, công nghệ thông tin (CNTT) vươn bàn tay vạn năng của mình đến giúp các doanh nghiệp may vươn lên, trước hết là vượt qua "trận địa then chốt" tại Phân Xưởng Cắt!
Hệ thống CAD (Thiết kế, nhảy cỡ, giác sơ đồ)
Tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp may lớn đến nay đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng hệ thống CAD (Computer Aided Design - thiết kế nhờ máy tính) trong công tác tối ưu hoá sơ đồ cắt.
Đã qua rồi chuyện "dị ứng" với việc giác sơ đồ máy của buổi đầu mới tiếp xúc (1995-1998). Hồi ấy, rất nhiều cán bộ kỹ thuật cho rằng giác sơ đồ tay vẫn tối ưu hơn sơ đồ máy, vì bằng chứng là những sơ đồ in sẵn bằng máy của khách nước ngoài chuyển qua, đến tay công nhân Việt Nam đều có thể rút bớt thêm 1-2% nữa! Vấn đề là phải biết kết hợp kinh nghiệm của người giác sơ đồ với tính trực quan đồ hoạ mà hệ thống CAD đem lại. Việc trực tiếp nhìn thấy một cách trực quan cả sơ đồ, và khả năng dịch chuyển bất kỳ, hay theo quy luật ràng buộc trước, việc thấy ngay hiệu quả (% vải hữu dụng) sau mỗi thao tác điều chỉnh đúng là các công cụ tuyệt vời để hỗ trợ cán bộ giác sơ đồ sắp xếp được một sơ đồ tối ưu mà không cần mất nhiều công sức như phải vẽ lại cả sơ đồ khi muốn điều chỉnh như trước đây.
Trên thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều loại phần mềm giác sơ đồ khác nhau, kể cả... Freeware. Mỗi phần mềm đều có những tính năng ưu điểm khác nhau. Các đại gia vẫn là hai tên tuổi lớn: Gerber Technology (Mỹ) và Lectra (Pháp).
Có thể nói: Hiện nay, nếu doanh nghiệp nào chưa đầu tư hệ thống giác sơ đồ (gồm ba phân hệ quan trọng là thiết kế - nhảy cỡ - giác sơ đồ) là coi như đã chậm chân trong cuộc cạnh tranh về lĩnh vực may công nghiệp, do đó khó phát triển trên quy mô lớn. Tuy vậy, khi chọn lựa phần mềm CAD và phần cứng thích hợp, doanh nghiệp dự kiến đầu tư cần chú ý các yêu cầu sau:
Tính dễ sử dụng của hệ thống:
o Giao diện đơn giản, phù hợp với luồng suy nghĩ thông thường của người giác sơ đồ của doanh nghiệp hiện nay.
o Có những tính năng cần thiết theo yêu cầu của người làm, công tác nhảy cỡ và giác sơ đồ đáp ứng của doanh nghiệp yêu cầu (do có nhiều loại sản phẩm đặc thù phải có những tính năng đặc biệt, hay "options". Ví dụ: doanh nghiệp thường làm hàng vải ca-rô sọc màu thì phần mềm phải có khả năng canh sọc...).
o Phải nhập dữ liệu bằng bàn số hoá (digitizer khổ A0), do đây là cách nhập liệu nhanh nhất, đơn giản nhất. Đừng tin vào các phương án nhập liệu khác như nhập bằng scanner, camera... vì chỉ làm phức tạp thêm vấn đề mà hiệu quả sử dụng không cao.
o Đừng quá đặt nặng chức năng giác sơ đồ tự động (theo quảng cáo "nhấn một cái là máy tự sắp sơ đồ tối ưu"!), vì 90% trường hợp sẽ khó có thể áp dụng các sơ đồ này vào sản xuất do... cắt không được (!), đồng thời cũng do không tối ưu bằng xếp thủ công các chi tiết trên màn hình máy tính. Chủ yếu, bạn có thể lợi dụng chức năng giác sơ đồ tự động để tính giá nhanh với khách hàng, hay giúp cho công nhân mới giác sơ đồ tập làm quen với việc điều chỉnh lại các sơ đồ mà máy tự động sắp.
Tốc độ làm việc của hệ thống:
o Phải mua máy vẽ khổ lớn kèm theo phần mềm CAD để có thể vẽ sơ đồ có kích thước 100% đem đi cắt được. Tốt nhất là sử dụng máy vẽ vectơ (Plotter), máy cầm bút bi và vẽ tự động theo sơ đồ đã giác. Không nên dùng các loại máy in phun khổ lớn vì hai lý do... tốc độ và tuổi thọ.
o Chọn máy vẽ có khổ phù hợp với khổ vải phổ biến nhất mà doanh nghiệp bạn sản xuất. Các giải pháp in trên máy khổ nhỏ rồi dán sơ đồ lại chỉ là giải pháp tạm thời, không thể áp dụng trong sản xuất lớn.
Khả năng mở rộng của hệ thống:
o Đương nhiên phải chạy trên hệ điều hành Windows 98 trở lên.
o Phải có khả năng nối mạng, đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp cần phát triển hệ thống sau này.
o Có khả năng chuyển đổi các chuẩn khác nhau (Lectra, GGT, dxf...) để có thể trao đổi dữ liệu với nhiều đối tượng khách hàng.
Hệ thống CAM cho trải và cắt tự động
Hệ thống CAM (Computer Aided Manufacturing - sản xuất nhờ máy tính) gồm máy trải vải tự động và máy cắt tự động. Đây là ứng dụng công nghệ cao nhất hiện nay của ngành may Công nghiệp. Máy trải và máy cắt là hai thiết bị đầu cuối, có thể liên kết đến tập tin (file của phần mềm giác sơ đồ) để tự động hoàn toàn công tác trải, cắt.
Về năng suất và sản lượng, có thể kể một ví dụ thực tế tại công Ty Dệt May Thành Công là đơn vị đầu tư đầy đủ cả hệ thống CAD/CAM hoàn chỉnh: năng suất cắt thực tế lấy trên máy tính điều khiển cho loại hàng áo thun xuất khẩu: 1001 áo/14'21 (77 lớp; 13áo/lớp), đạt 0,86 giây/sản phẩm (sp), 7000 sp/ca. Trong đó, thời gian trải là 45 phút; thời gian cắt: 15 phút; công nhân: trải - 2 người, cắt - 1 người. Cùng cắt 150 vạt thân trước, máy cắt tay phải mất 150 giây; trong khi máy cắt tự động chỉ mất 30 giây. Để trải 355 mét vải, nếu trải tay: 4 công nhân phải mất 90 phút. Trải bằng máy: 2 công nhân chỉ mất 40 phút.
Với quy mô phát triển của các doanh nghiệp may Việt Nam, việc đầu tư hệ thống CAM trong một tương lai gần sẽ trở nên phổ biến khi quy mô đơn hàng tăng lên, giá nhân công tăng lên.
Tuy nhiên, khi đầu tư, doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ về hệ thống trải vãi phải phù hợp với loại vải mà doanh nghiệp thường xuyên sử dụng: vải dệt thoi, hay vải đan kim, có sọc hay không... Vải sử dụng phải đồng bộ và có chất lượng (độ co dãn, màu sắc...) ổn định thì mới phát huy hết hiệu quả của hệ thống này.ÿ
Hồng Khắc Ái Nhân